Niềng răng được xem là một trong những phương pháp chỉnh nha hiện đại được nhiều người tin tưởng tuy nhiên không ít người gặp “trái đắng” vì niềng răng đặc biệt là ở các cơ sở kỹ thuật viên, nha sĩ không được đào tạo bài bản.
Răng bị nhiễm tetaxilin kèm theo hơi hô, chị Nguyễn Thị Mai (Hà Đông, Hà Nội) suy nghĩ đến việc đi tẩy trắng răng kèm theo niềng răng.
Tuy nhiên, khi chị tìm hiểu về niềng răng và tẩy trắng răng thì đủ các tư vấn khác nhau mỗi người khuyên làm một kiểu.
Có những người khuyên chị nhổ hết răng cũ xấu xí để trồng răng sứ cho đẹp, người thì cho rằng cần nhổ răng tạo hình lại khuôn hàm.
Sau 2 tuần tham khảo vài cơ sở nha khoa, chị Mai quyết định niềng răng trước. Để niềng rằng, chị phải nhổ bỏ 4 cái răng và mất khoảng 45 triệu đồng với thời gian chỉnh 2 năm.
Tuy nhiên, sau một thời gian sống chung với dụng cụ niềng, chị Mai thấy đau hàm, ăn uống khó khăn, không thoải mái nói chuyện.
Cả tháng trời chị chị ngậm cháo và không ăn nổi thứ gì khác vì chỉ cần nhai nhẹ cũng buốt đến óc.
Chị Mai đến Bệnh viện kiểm tra, bác sĩ cho biết chị bị xô lệch khung hàm do niềng răng không đúng kỹ thuật ảnh hưởng đến chức năng nhai.
Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện toàn bộ chóp và gần như cả chân răng đã nằm ra ngoài xương ổ, chóp răng nằm ngay dưới lợi. Bệnh nhân tiêu xương hàm trầm trọng cả hàm trên và hàm dưới, khớp cắn sâu, cười hở lợi trầm trọng và răng lung lay.
Đây là dây cung dẻo, yếu, và lực đóng khoảng với chun chuỗi quá mạnh đã dẫn tới hiệu ứng cuộn làm cho khớp cắn bị sâu, cười hở lợi và chóp chân răng đi ra khỏi xương ổ răng.
Thực tế bác sĩ Vinh đã gặp khá nhiều trường hợp bị tai biến khi niềng răng do đóng khoảng với dây cung NITI nhưng trường hợp bị tiêu xương hàm và chân răng đẩy ra khỏi xương ổ như trường hợp là nặng nề nhất, các trường hợp trước chỉ phát sinh cười hở lợi thì bệnh nhân đã lo lắng và đến khám.
Niềng răng là phương pháp điều trị mang lại rất nhiều giá trị cho người bệnh, phương pháp này áp dụng tốt nhất cho những trường hợp răng chen chúc khấp khểnh, răng móm, răng thưa, răng hô…
Đặc biệt, niềng răng không có chống chỉ định, mang lại tính thẩm mỹ tốt, bền vững, kỹ thuật này còn giúp bệnh nhân có hàm răng tốt hơn với khớp cắn tốt hơn, trục răng tốt hơn, dễ vệ sinh hơn.
Nếu được làm đúng thì biện pháp này không có lỗi gì hay gặp cả, có chăng trong quá trình mang niềng sẽ khó vệ sinh răng miệng hơn nên có thể dễ bị sâu răng hơn, hay bị viêm lợi hơn.
Tuy nhiên, niềng răng là một lĩnh vực đặc biệt chuyên sâu trong chuyên ngành Răng Hàm Mặt, đòi hỏi bác sĩ chỉnh nha phải được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên sâu về nắn chỉnh răng mới có thể làm tốt được.
Tại các nước phát triển, bác sĩ chỉnh nha phải được đào tạo chuyên sâu và phải có chứng chỉ hành nghề về chỉnh nha mới được điều trị.
Theo bác sĩ Vinh, tại Việt Nam hiện nay chưa có chương trình đào tạo chỉnh nha chính quy, và cũng chưa được quản lý hành nghề cụ thể, trong khi thủ thuật niềng răng được thực hiện khá thường xuyên tại các phòng khám nha khoa, do đó tai biến niềng răng cũng khá hay gặp.
Theo Infonet